Chứng chỉ quốc tế cần thiết khi du học là gì?

Ngoài các chương trình giáo dục trong nhà trường, các khóa học đào tạo một ngành nghề nào đó, còn có các kỳ thi khác nhau được quản lý và thiết kế bởi các tổ chức giáo dục quốc tế trên thế giới. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin ngắn gọn và hữu ích về một số chứng chỉ học thuật quốc tế và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế phổ biến nhất hiện nay.

1. Chứng chỉ quốc tế là gì?

Chứng chỉ quốc tế là chứng chỉ được cấp bởi các tổ chức giáo dục quốc tế trên thế giới. Để có thể nhận được chứng chỉ quốc tế, thí sinh phải trải qua các kỳ thi chuẩn hóa được thiết kế riêng đối với từng loại chứng chỉ khác nhau.

2. Chứng chỉ học thuật quốc tế

2.1. Chứng chỉ SSAT

SSAT (viết tắt cho Secondary School Admission Test) là kỳ thi chuẩn hóa dành cho học sinh trong độ tuổi từ 3 đến 11 tuổi muốn nộp hồ sơ vào các trường trung học ở Mỹ. Kỳ thi SSAT có 3 cấp độ tương ứng với 3 nhóm học sinh khác nhau:

    • Elementary Level: Dành cho học sinh lớp 3-4 muốn nộp hồ sơ vào lớp 4-5.
    • Middle Level: Dành cho học sinh lớp 5-7 muốn nộp hồ sơ vào lớp 6-8.
    • Upper Level: Dành cho học sinh lớp 8-11 muốn nộp hồ sơ vào lớp 9-12.

Kỳ thi SSAT bao gồm một bài viết (Writing Sample) và bài kiểm tra 3 kỹ năng dưới dạng trắc nghiệm: Toán (Quantitative), Đọc hiểu (Reading) và Ngôn ngữ (Verbal).

Xem thêm: Chứng chỉ SSAT

2.2. Chứng chỉ SAT

SAT (viết tắt cho Scholastic Assessment Test) là kỳ thi chuẩn hóa được quản lý bởi tổ chức College Board. Kỳ thi SAT dành cho ứng viên muốn nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Mỹ. Kiến thức được kiểm tra trong kỳ thi SAT bao gồm 2 phần chính là Đọc – Viết (Evidence-Based Reading and Writing) và Toán (Math). Ngoài ra, thí sinh sẽ viết một bài luận (Essay) với thời gian 50 phút.

2.3. Chứng chỉ ACT

ACT (viết tắt cho American College Testing) cũng là kỳ thi chuẩn hóa dành cho ứng viên muốn nộp vào các trường đại học ở Mỹ và Canada. ACT bao gồm 4 phần thi chính là Tiếng Anh (English), Toán (Math), Đọc hiểu (Reading) và Khoa học (Scientific Reasoning). Ngoài ra, thí sinh cũng sẽ viết một bài luận (Writing) với thời gian 40 phút.

2.4. Chứng chỉ GMAT

GMAT (viết tắt cho Graduate Management Admission Test) là kỳ thi được quản lý bởi tổ chức GMAC (Graduate Management Admission Council) dành cho ứng viên muốn nộp hồ sơ vào các chương trình sau đại học (thông thường là các ngành thiên về kinh tế, chẳng hạn như chương trình MBA). Bài thi GMAT được chuẩn hóa dựa trên hình thức làm bài trên máy tính và các câu hỏi được đưa ra ở dạng trắc nghiệm. Các kiến thức đòi hỏi thí sinh phải có khi làm bài thi bao gồm toán học, kỹ năng viết, đọc hiểu, phân tích ngôn ngữ trong tiếng Anh, tư duy phản biện, tư duy phân tích vấn đề…

Xem thêm: Chứng chỉ GMAT

2.5. Chứng chỉ GRE

GRE (viết tắt cho Graduate Record Examinations) là kỳ thi chuẩn hóa dành cho ứng viên muốn nộp đơn vào các chương trình sau đại học Mỹ, Canada và một vài nước khác trên thế giới (bao gồm cả chương trình về Kinh doanh và Luật). Kỳ thi GRE được quản lý bởi tổ chức ETS (Educational Testing Service), được chia ra làm hai dạng: GRE General Test và GRE Subject Test.

    • GRE General Test đánh giá kỹ năng, khả năng hiểu biết của thí sinh về suy luận ngôn ngữ (Verbal Reasoning), tư duy định lượng (Quantitative Reasoning), tư duy phản biện (Critical Thinking) và viết luận phân tích (Analytical Writing).
    • GRE Subject Test đánh giá khả năng của thí sinh trong từng môn học cụ thể, đòi hỏi kiến thức chuyên ngành hoặc kiến thức mở rộng trong từng lĩnh vực mà thí sinh đăng ký dự thi. Có 4 môn thí sinh có thể đăng ký dự thi đó là Hóa học (Chemistry), Toán (Math), Vật lý (Physics) và Tâm lý học (Psychology), riêng 2 môn Sinh học (Biology) và Ngữ văn bằng tiếng Anh (Literature in English) đã bị gián đoạn sau tháng 4 năm 2021.

3. Các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

3.1. Chứng chỉ IELTS

IELTS (viết tắt cho International English Language Testing System) là kỳ thi chuẩn hóa nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của người không thuộc các quốc gia nói tiếng Anh bản xứ, được quản lý bởi các tổ chức British Council, IDP Education và Cambridge Assessment English.

Bài thi IELTS kiểm tra 4 kỹ năng: Nghe (Listening, 40 phút), Nói (Speaking, 11-14 phút), Đọc (Reading, 60 phút) và Viết (Writing, 60 phút). Tổng thời gian của bài thi là 2 giờ 55 phút. Thang điểm của IELTS là từ 0 đến 9 (khoảng tăng là 0,5).

3.2. Chứng chỉ TOEFL

TOEFL (viết tắt cho Test of English as a Foreign Language) là kỳ thi chuẩn hóa nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của các ứng viên muốn nộp hồ sơ vào các trường đại học ở các quốc gia nói tiếng Anh bản xứ, được quản lý bởi tổ chức ETS (Educational Testing Service).

Giống như IELTS, bài thi TOEFL cũng kiểm tra 4 kỹ năng: Nghe (Listening, 41-57 phút), Nói (Speaking, 17 phút), Đọc (Reading, 54-72 phút) và Viết (Writing, 50 phút). Thí sinh có thể làm bài thi TOEFL dưới 2 hình thức: trên máy tính (Internet-based Test, iBT) hoặc trên giấy (Paper-based Test, PBT).

3.3. Chứng chỉ TOEIC

TOEIC (viết tắt cho Test of English for International Communication) cũng là kỳ thi chuẩn hóa dành cho người không thuộc các quốc gia nói tiếng Anh bản xứ, được quản lý bởi tổ chức ETS (Educational Testing Service).

Bài thi TOEIC có 2 dạng hình thức thi: dạng bài thi nghe – đọc (Listening and Reading Test) và dạng bài thi nói – viết (Speaking and Writing Test).

  • Thang điểm của bài thi nghe – đọc là từ 0 đến 990 điểm. Tổng thời gian làm bài là 2 giờ (45 phút cho phần Listening và 75 phút cho phần Reading).
  • Thang điểm của bài thi nói – viết là từ 0 đến 200 cho mỗi phần. Thời gian của phần thi Speaking là gần 20 phút, còn của phần thi Writing là gần 60 phút.

Xem thêm: Chứng chỉ SAT

4. Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác

Ngoài các chứng chỉ ngoại ngữ phổ biến như IELTS, TOEFL, TOEIC, còn có nhiều chứng chỉ khác dùng để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh, chẳng hạn các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ của Cambridge: PET (Preliminary English Test), FCE (Cambridge First Certificate in English), CAE (Certificate in Advanced English), CPE (Certificate of Proficiency in English)…

Ngoài ra, còn cò các kỳ thi kiểm tra khả năng nói tiếng Anh tương đối phổ biến như OPI (Oral Proficiency Interview) hay OPIC (Oral Proficiency Interview – Computer)…

Tùy vào mục đích riêng mà thí sinh có thể chọn kỳ thi phù hợp với mình để kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh của bản thân, nộp vào các trường đại học, bổ sung vào hồ sơ xin việc hay hồ sơ du học nước ngoài.

Intertu Education hiện đang chiêu sinh khóa học luyện thi SSAT, luyện thi SAT, luyện thi ACT, luyện thi GMAT, luyện thi GRE, luyện thi GED. Mọi thắc mắc về chứng chỉ quốc tế là gì xin liên hệ trực tiếp, qua email hoặc hotline để được tư vấn miễn phí.