Chương trình IB

CHƯƠNG TRÌNH IB – INTERNATIONAL BACCALAUREATE LÀ GÌ?

Tú tài quốc tế IB hay còn được biết đến với tên gọi chương trình IB là chương trình học được công nhận toàn cầu, là bằng cấp được các trường đại học hàng đầu thế giới đánh giá cao. Ra đời vào năm 1960 tại Thụy Sĩ, với mục tiêu hướng đến phát triển toàn diện, chương trình ngày càng phổ biến, được nhiều phụ huynh học sinh tại Việt Nam quan tâm.

1. Cấu trúc chương trình Tú tài quốc tế IB

1.1. Môn học

Các môn học của IB được chia làm 6 nhóm môn học:

    • Nhóm 1 – Ngôn ngữ và văn học – còn gọi là ngôn ngữ thứ nhất
    • Nhóm 2 – Ngôn ngữ tiếp thu – còn gọi là ngôn ngữ thứ hai
    • Nhóm 3 – Cá nhân và Xã hội 
    • Nhóm 4 – Khoa học 
    • Nhóm 5 – Toán 
    • Nhóm 6 – Nghệ thuật

Ngoại trừ 4 môn chỉ có cấp độ SL, các môn còn lại đều có 2 cấp độ là tiêu chuẩn SL (Standard Level) và nâng cao HL (Higher Level). Học sinh theo học chương trình IB sẽ phải học 6 môn, 5 môn đầu tiên các em sẽ chọn từ nhóm 1 đến nhóm 5 (mỗi nhóm chọn 1 môn), riêng môn thứ 6 có thể chọn từ nhóm 6 hoặc chọn bất kỳ từ 5 nhóm trên. Trong 6 môn, học sinh cần chọn từ 3 đến 4 môn có cấp độ HL.

Điểm của mỗi môn sẽ được cấu thành dựa trên kết quả của bài kiểm tra IA (Internal Assessment) và EA (External Assessment). IA là bài đánh giá nội bộ với hình thức kiểm tra đa dạng, được thực hiện vào cuối năm nhất hoặc đầu năm hai và chiếm từ 20 – 30% số điểm. Ngoại trừ thuyết trình và biểu diễn thì học sinh cần phải đến phòng thi, các hình thức còn lại của bài IA như nghiên cứu, trắc địa, thí nghiệm sẽ được thực hiện tại nhà và nộp trước tháng 2 của năm hai chương trình IB. Trong khi đó, EA là bài kiểm tra cuối khóa được tổ chức vào cuối năm 2 do IB chấm và chiếm 70 – 80% số điểm. Bài EA bao gồm từ 2 đến 3 bài kiểm tra (paper) và học sinh sẽ thi vào các ngày thi khác nhau.

Trong thời kỳ dịch Covid-19 khi các em không thể đến trường và việc học ít nhiều bị gián đoạn, IB đã có những điều chỉnh và giảm tải trong nội dung học lẫn kiểm tra để phù hợp với tình hình thực tế trong vài năm trở lại đây.

Xem thêm: Môn học tiêu biểu trong chương trình Tú tài Quốc tế IB

1.2. Học phần cốt lõi

Bên cạnh 6 môn học như trên, học sinh muốn hoàn thành chương trình học và nhận bằng IB bắt buộc phải hoàn thành 3 học phần cốt lõi (Core Elements), bao gồm:

    • Bài luận mở rộng EE (Extended Essay): Bài luận dài 4.000 từ với đề tài tự chọn xoay quanh một lĩnh vực trong chương trình học. Học sinh chọn 1 trong 6 môn học để nghiên cứu làm bài EE. Mục đích của học phần này nhằm giúp học sinh phát triển năng lực tổng hợp, phân tích và đánh giá kiến thức thông qua việc nghiên cứu đề tài, thể hiện ý tưởng và phát triển các luận điểm theo quan điểm của bản thân. 
    • Lý thuyết nhận thức TOK (Theory of Knowledge): Giúp hình thành tư duy phản biện về bản chất của kiến thức và những gì mà con người tin là đúng. TOK bao gồm 2 phần: bài thuyết trình (có thể làm nhóm) được nộp trước tháng 2 năm nhất và bài luận dài 1.600 từ (thực hiện cá nhân) phải hoàn thành trước tháng 2 năm hai.
    • Hoạt động ngoại khóa CAS: Gồm 3 phần là Creativity (Hoạt động sáng tạo), Activity (Hoạt động thể chất) và Service (Hoạt động cộng đồng). Học phần này phản ánh khả năng phát triển toàn diện, cho thấy sức sáng tạo và năng động của học sinh.

1.3. Cách tính điểm

Thang điểm IB với tất cả 6 môn học (cả cấp độ SL và HL) đều có thang điểm 7 cho mỗi môn học, tổng cộng là 42 điểm. Ngoài ra, học sinh còn có thể tích lũy tối đa 3 điểm phụ từ 3 học phần cốt lõi là EE, TOK và CAS. Vì vậy, điểm số tối đa mà học sinh có thể đạt được trong chương trình IB là 45 điểm.

2. Tại sao chương trình Tú tài quốc tế được phụ huynh – học sinh quan tâm?

Khi điều kiện kinh tế và khả năng tài chính của các gia đình Việt Nam ngày càng cao, nhiều phụ huynh và học sinh tìm hiểu và quan tâm nhiều hơn đến chương trình Tú tài quốc tế. Điểm nổi bật và khác biệt của IB so với chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay là IB hướng đến sự phát triển toàn diện của học sinh. IB là chương trình được thiết kế với tính học thuật chuyên sâu nhưng đồng thời có tính giáo dục toàn diện. 

Mục tiêu của chương trình IB không chỉ gói gọn trong việc dung nạp kiến thức, mà quan trọng hơn là phát triển khả năng học tập, tự học cũng như kỹ năng sống. Hoạt động ngoại khóa CAS là học phần cốt lõi bắt buộc cho thấy sự chú trọng của IB trong việc phát triển cá nhân của học sinh. Không những thế, nhiều môn trong chương trình khuyến khích học sinh tìm hiểu và có nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề toàn cầu. Qua đó, IB còn là hành trang để học sinh có thể thành công trong thế giới vận động không ngừng và thay đổi liên tục.

3. Lợi thế của chương trình Tú tài quốc tế

3.1. Khả năng cao đậu vào các trường đại học hàng đầu

Những học sinh theo học Tú tài quốc tế được đánh giá rất cao về khả năng phân tích, tư duy phản biện, suy nghĩ độc lập và đặc biệt là kỹ năng tự học và nghiên cứu để tiếp cận tri thức mới và nâng cao kiến thức bản thân. Đó là phẩm chất mà các trường rất cần ở sinh viên xuất sắc. Do đó, bằng IB được hầu hết các trường đại học trên 140 quốc gia chấp nhận, bao gồm cả những đại học hàng đầu thế giới. Học sinh không chỉ có nhiều cơ hội được theo học trường mà các em mong muốn, mà còn có thể học tập tốt hơn các bạn đồng trang lứa trong suốt những năm đại học.

3.2. Lợi thế khi nộp đơn xin học bổng

Vì được đánh giá cao hơn chương trình tiêu chuẩn, Tú tài quốc tế cũng mở ra cơ hội lớn hơn để học sinh nhận được học bổng đại học. Các nghiên cứu và thống kê cũng cho thấy học sinh chương trình IB có tỉ lệ xét học bổng thành công cao hơn. Với kiến thức và kỹ năng được tích lũy từ những năm phổ thông cùng với minh chứng rõ ràng về hoạt động cộng đồng, sáng tạo hay thể chất, học sinh IB thường thể hiện rất tốt điểm mạnh của bản thân trong các buổi phỏng vấn cũng như tạo được ấn tượng tốt hơn với các trường.

3.3. Được miễn giảm tín chỉ đại học

Không chỉ có lợi thế trong quá trình nộp đơn nhập học và học bổng vào các trường, chương trình IB còn phát huy được giá trị ngay cả khi bạn đã bắt đầu học đại học thông qua việc miễn giảm tín chỉ. Nếu học sinh đạt được điểm IB cao (từ 5 đến 7 điểm) thì môn học khả năng cao sẽ được công nhận kết quả tương đương với các môn năm nhất đại học. Từ đó, các em có thể tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí học năm đầu tiên. Tuy nhiên, học sinh cũng cần lưu ý là các môn SL sẽ không được tích lũy tín chỉ mà chỉ áp dụng đối với các môn ở cấp độ HL có điểm 5 trở lên.

3.4. Cơ hội thành công khi bước vào xã hội

Nội dung chương trình IB vừa có tính đa dạng, vừa có sự cân bằng, cùng với yêu cầu học thuật rất cao nên sẽ là nền tảng rất vững chắc khi các em đi làm sau này. Học sinh với tấm bằng IB Diploma có cơ hội áp dụng kiến thức và kỹ năng vào các hoạt động cộng đồng thông qua học phần cốt lõi CAS. Ngoài ra, các kỹ năng phân tích mà học sinh đạt được qua quá trình làm bài EE và TOK sẽ giúp các em nhận thức được bức tranh tổng quát của vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi để các em có thể tiến lên vị trí quản lý hay nhân sự cấp cao. Đây chính là kinh nghiệm quý giá của các em ở bên ngoài phạm vi lớp học.

Xem thêm: Khóa học luyện thi IB

4. Điều kiện theo học chương trình IB

Đối với chương trình Tú tài quốc tế thì 2 năm cuối cấp là quan trọng nhất, tuy nhiên chương trình IB không chỉ giới hạn trong 2 năm mà có tới 3 cấp độ bao gồm:

    • Primary Years Program (PYP): Bậc tiểu học tương đương lớp 1-5
    • Middle Years Program (MYP): Bậc trung học tương đương lớp 6-10
    • IB Diploma Program (IBDP): Bậc tú tài tương đương lớp 11-12

Do đây là chương trình toàn cầu, điều kiện tiên quyết để có thể theo học IB là trình độ tiếng Anh. Với bậc PYP, các em cần có trình độ tiếng Anh tối thiểu, còn ở bậc MYP và IBDP, các em cần đáp ứng yêu cầu của trường mình muốn học. Do IB là chương trình không thể thi tự do mà chỉ có thể học ở trong các trường được ủy quyền bởi tổ chức IB nên điều kiện theo học sẽ tùy thuộc vào mỗi trường đề ra. Thường thì yêu cầu đầu vào của chương trình IBDP là tối thiểu IELTS 5.5, hoặc TOEFL iBT 71, hoặc TOEFL CBT 194.

5. Điều kiện nhận bằng Tú tài quốc tế IB là gì?

5.1. Bằng Tú tài quốc tế IB (IB Diploma Program)

Để được công nhận hoàn thành chương trình học và nhận bằng Tú tài quốc tế, học sinh cần phải đạt ít nhất 24 trên 45 điểm, với tổng điểm tối thiểu các môn HL là 12-16 và các môn SL là 6-9. Học sinh cần phải hoàn thành bài EE và TOK, cùng với đó là ít nhất 150 giờ hoạt động ngoại khóa (CAS) và hoàn tất dự án CAS (CAS project). Ngoài ra, việc lấy được bằng IB Diploma còn trở nên khó khăn hơn khi học sinh sẽ trượt nếu gặp phải một trong những trường hợp sau:

    • Có 1 môn đạt điểm 1
    • Có từ 1 môn HL hoặc từ 2 môn SL đạt điểm 2
    • Có ít nhất 4 môn đạt điểm 3
    • Học sinh bị điểm N (không được chấm điểm) ở bất kỳ môn nào, kể cả TOK và EE
    • Học sinh bị điểm E cả 2 bài TOK và EE 

5.2. Chứng chỉ IB (IB Certificate)

Nếu không đủ điều kiện nhận bằng Tú tài quốc tế, học sinh vẫn có thể nhận chứng chỉ Tú tài quốc tế IB (IB Certificate) cho từng môn với thang điểm của mỗi môn từ 1 đến 7. Đây được xem là giấy chứng nhận kết quả riêng lẻ cho từng môn. Trường hợp khác là học sinh cũng có thể chọn không đăng ký toàn bộ chương trình IB mà chỉ học một hoặc một vài môn để lấy chứng chỉ IB, bạn sẽ không cần học đủ 6 môn, không phải làm bài EE và TOK hay hoàn thành CAS. Tuy nhiên, nội dung học, phương thức kiểm tra và đánh giá học sinh học Certificate và Diploma là hoàn toàn giống nhau.

Xem thêm: Bài tập Hóa học bằng tiếng Anh

6. Các trường quốc tế dạy chương trình IB

IB là chương trình toàn cầu và chỉ được dạy ở các trường do tổ chức IB của Thụy Sĩ cấp phép. Các trường dạy IB phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của tổ chức IB về diện tích, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Do đó, các trường quốc tế có thể dạy chương trình IB ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó số trường dạy IB toàn phần (được cấp phép dạy cả 3 cấp PYP, MYP và IBDP) còn ít hơn với tiêu chuẩn khắt khe hơn, chỉ có 4 trường ở TP. HCM và 2 trường ở Hà Nội. Sau đây là danh sách các trường dạy IB ở Việt Nam:

6.1. Tại thành phố Hồ Chí Minh

    • Trường dạy IB toàn phần:
      • International School Ho Chi Minh City (ISHCMC)
      • European International School (EIS)
      • American International School Vietnam (AISVN)
      • International School of North America (SNA)
    • Trường dạy IBDP:
      • Australian International School (AIS) – có thêm cấp PYP
      • British International School Ho Chi Minh City (BISHCMC)
      • Saigon South International School (SSIS)
      • Renaissance International School Saigon (RISS)
      • Canadian International School (CIS)
      • International German School Ho Chi Minh City (IGS)
      • Vietnam Finland International School (VFIS)
      • Western Australian International School System (WASS)

6.2. Tại Hà Nội

    • Trường dạy IB toàn phần:
      • United Nations International School of Hanoi (UNIS)
      • Hanoi International School (HIS)
    • Trường dạy IBDP:
      • British International School Hanoi (BISHN)
      • International School of Vietnam (ISV) – có thêm cấp PYP

Intertu Education hiện đang chiêu sinh các khóa học chương trình IB (IB Math, IB Physics, IB Chemistry, IB Biology, IB Economics, IB Business Management, IB English…). Mọi thắc mắc về vấn đề chương trình IB xin liên hệ trực tiếp, qua email hoặc hotline để được tư vấn miễn phí.