Chương trình A-level

CHƯƠNG TRÌNH A-LEVEL LÀ GÌ? LỢI THẾ CỦA A-LEVEL

Chương trình A-level là một chương trình giáo dục vừa đáp ứng tiêu chuẩn học thuật chuyên sâu, vừa có thể rèn giũa kỹ năng học tập thiết yếu cho tương lai. Hãy cùng tìm hiểu về A-level và những lợi thế mà nó mang lại.

1. A-level là gì?

A-level, gọi tắt của General Certificate of Education Advanced Level, là chương trình học theo hệ thống giáo dục Anh kéo dài 2 năm do Cambridge quản lý. A-level là “tấm vé vàng” giúp bạn mở cánh cửa vào các trường đại học hàng đầu thế giới. Riêng với tất cả các trường đại học tại Anh, học sinh sở hữu bằng A-level còn được ưu tiên xét tuyển hơn các chương trình khác.

A-level tương đương với chương trình IB, nhưng A-level yêu cầu kiến thức chuyên sâu hơn là trải rộng toàn diện như IB. Một điểm khác biệt nữa chính là A-level không bắt buộc bạn phải theo học các trường được ủy quyền tổ chức giảng dạy và thi. như IB Vì vậy, học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn tự học tại nhà và đăng ký thi tự do. Ở Việt Nam, A-level được tổ chức 2 đợt trong năm vào tháng 5-6 và tháng 10-11, học sinh có thể đăng ký môn thi tại British Council, RISS và ABCIS.

Các môn học A-level có thể được chia làm 6 nhóm môn học:

    • Toán (Mathematics) 
    • Tiếng Anh và Văn học (English Language and Literature)
    • Ngôn ngữ (Languages)
    • Khoa học tự nhiên (Sciences)
    • Khoa học xã hội và Nhân văn (Humanities and Social Sciences)
    • Nghệ thuật và Hướng nghiệp (Creative and Professional)

Toàn bộ chương trình bao gồm 2 cấp học:

    • Năm 1 được gọi là năm AS Level, tương đương lớp 11.
    • Năm 2 được gọi là năm A2 (hay năm A-level), tương đương lớp 12.

Xem thêm: Môn học tiêu biểu trong chương trình Cambridge A-level

1.1. AS Level

Tên đầy đủ là Advanced Subsidiary, hay được biết đến nhiều hơn với cái tên năm AS Level, là năm đầu tiên của chương trình A-level. Trong năm AS Level, học sinh sẽ chọn ít nhất 4 môn học. Điều cần lưu ý là có một số môn chỉ có ở năm AS Level, lên năm A-level sẽ không học nữa.

1.2. A-level

Đây là năm cuối cùng trong chương trình A-level. Từ ít nhất 4 môn học ở năm đầu, các bạn sẽ chọn ra 3 môn để tiếp tục học và thi lấy bằng A-level. 3 môn này nên là các môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp và bổ trợ tốt cho ngành học sau này.

Học sinh cần phải làm các bài kiểm tra (paper) để hoàn thành môn học. Thường thì học sinh sẽ hoàn thành 1-2 paper mỗi môn vào cuối năm AS, sau đó làm hết số paper còn lại khi hết năm A2. Điểm số A-level cuối cùng của học sinh chính là kết quả tổng hợp của hai năm học.

1.3. Thang điểm A-level

Các môn A-level được chấm trên thang điểm A* – E, trong đó năm AS không có điểm A* mà chỉ dao động từ A đến E. Chương trình A-level còn có điểm U, nhưng điểm U sẽ không được thể hiện trong chứng chỉ A-level vì đây là mức điểm không được công nhận.

2. Tại sao A-level được nhiều phụ huynh cho con theo học?

Khi nhắc tới các chương trình quốc tế có thể giúp học sinh định hướng tốt nghề nghiệp tương lai, ngày càng nhiều phụ huynh tin tưởng và cho con theo học A-level vì vừa giúp con rút ngắn lộ trình và tiết kiệm thời gian học, vừa có thể xác định ngành học từ sớm.

Thông thường khi học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình Việt Nam muốn đi du học ở đại học nước ngoài, cụ thể là Anh, bạn cần phải mất thêm một năm tham gia chương trình dự bị đại học mới đủ điều kiện nhập học ở các trường đại học nước này. Tuy nhiên, học sinh hoàn thành 2 năm A-level (lớp 11 và 12) và thi chứng chỉ A-level thì có thể nộp đơn theo học ngay ở các trường đại học quốc tế. Vì vậy, A-level giúp học sinh rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí học tập, sớm làm quen với môi trường học tập quốc tế, từ đó các em sẽ hòa nhập nhanh hơn khi bắt đầu chương trình ở đại học.

Một điểm khác biệt nữa của A-level với chương trình phổ thông Việt Nam là thay vì phải học trên 10 môn trong một năm học, học sinh A-level chỉ cần học từ 3 đến 4 môn và tập trung hoàn toàn vào các môn đó. Khi đó, học sinh có thể lựa chọn những môn mà mình yêu thích và có thể bổ trợ tốt cho chuyên ngành đại học trong tương lai.

Xem thêm: Khóa học luyện thi A-level

3. Lợi thế của A-level

3.1. Được đánh giá cao bởi các đại học hàng đầu, nhất là ở Anh

Lợi thế nổi bật nhất của chứng chỉ A-level là nâng cao đáng kể khả năng đậu các trường đại học. A-level được chấp nhận bởi tất cả các trường đại học ở Anh, hơn 450 trường ở Mỹ cùng nhiều trường đại học khác trên thế giới. Những học sinh có điểm A-level cao đều được các trường đại học hàng đầu như Cambridge, Oxford, Yale, Harvard hay MIT… ưu tiên khi xét hồ sơ nhập học. Ngoài ra, do tính chất nghiên cứu chuyên sâu và bám sát chương trình đại học, chứng chỉ A-level trở thành yêu cầu đầu vào của nhiều chuyên ngành đặc thù như Kỹ sư, Y dược, Luật…

3.2. Lợi thế khi nộp đơn xin học bổng

Bên cạnh kiến thức học thuật sâu rộng ở mỗi môn, học sinh khi theo học chương trình A-level được trang bị những kỹ năng thiết yếu để phát triển tốt trong môi trường đại học và công việc tương lai: khả năng đọc viết và sử dụng tiếng Anh chuyên ngành, tư duy phản biện, tư duy logic cùng kỹ năng tự học và nghiên cứu. Đây là những lợi thế giúp khả năng đậu học bổng cao hơn so với các ứng viên học chương trình tiêu chuẩn. Điểm A-level cao cũng chứng tỏ học sinh có nền tảng rất tốt để tiếp thu kiến thức bậc cao hơn khi học chuyên ngành đại học. Điều này cũng tạo được ấn tượng với các trường đại học trong quá trình xét học bổng.

3.3. Được miễn giảm tín chỉ đại học

Hoàn thành A-level với số điểm cao không chỉ gia tăng cơ hội đậu đại học và nhận học bổng mà còn có thể giúp các em tích lũy và miễn giảm tín chỉ đại học. Điều này tùy thuộc vào từng trường, nhưng nếu học sinh đạt được từ điểm B trở lên thì sẽ được giảm tín chỉ ở các môn học tương đương. Lợi thế này sẽ tiết kiệm được cả về thời gian và chi phí cho quá trình học đại học của bạn.

4. Điều kiện theo học A-level tại Việt Nam

Vì là chương trình chuẩn quốc tế được các trường đại học đánh giá cao, học sinh Việt Nam muốn được chấp nhận theo học A-level cần phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu sau:

    • Trên 16 tuổi, hoàn thành chương trình lớp 10 với kết quả học tập tốt (điểm tổng kết thường từ 7 trở lên).
    • Có ít nhất 5 môn thi IGCSE (cấp độ dưới của A-level) đạt điểm tối thiểu là C.
    • Trình độ tiếng Anh ít nhất ở mức IELTS 5.5, hoặc TOEFL iBT 71, hoặc chứng chỉ tương đương.

A-level là chương trình học có điều kiện đầu vào và không phải bạn nào muốn học cũng được, vì nếu học sinh không đáp ứng được yêu cầu thì khó khăn đầu tiên là tiếng Anh, nhất là khi học sinh phải ghi nhớ rất nhiều thuật ngữ. Lượng kiến thức lớn và chuyên sâu gần tương đương với cấp độ năm nhất đại học cũng là rào cản mà các bạn không có học lực tốt có thể vượt qua.

5. Điều kiện nhận bằng A-level

Học sinh theo học A-level có thể rơi vào 3 trường hợp sau:

    • Trường hợp 1: Nếu học sinh chỉ học được năm AS và cảm thấy không thể theo được năm A2 thì có thể lựa chọn không học lên năm A-level mà chỉ hoàn thành và thi lấy chứng chỉ AS Level. Điều này có nghĩa bạn chỉ hoàn thành một nửa chương trình. Nếu học ở Anh, học sinh có thể chuyển sang Foundation, chương trình dự bị đại học với cấp độ dễ hơn A-level.
    • Trường hợp 2: Sau khi hoàn thành năm học đầu tiên, học sinh sẽ làm paper của các môn AS. Sau đó, khi qua năm cuối, học sinh sẽ thi 3 môn A2 để lấy bằng A-level.
    • Trường hợp 3: Thí sinh tự do sẽ chỉ tham gia một kỳ thi A-level duy nhất vào năm cuối phổ thông để lấy bằng A-level. Trường hợp này thì các bạn cần phải làm tất cả paper của cả năm AS và năm A2.

Chỉ có học sinh ở trường hợp 2 và 3 mới có thể nhận được bằng A-level. Điều kiện để nhận bằng là học sinh cần hoàn thành kỳ thi của 3 đến 4 môn A-level và đạt được điểm số trong khoảng A* đến E.

6. Các trường quốc tế dạy chương trình A-level

Nhằm đáp ứng nhu cầu theo học A-level ngày càng cao của phụ huynh và học sinh, nhiều trường quốc tế và song ngữ tại Việt Nam đã tổ chức giảng dạy và thi chương trình A-level. Trước khi bước vào bậc học A-level (lớp 11 và 12), tất cả các trường đều dạy học sinh chương trình IGCSE (tương đương lớp 9-10). Điểm khác biệt là trước IGCSE (các lớp nhỏ hơn), các trường quốc tế theo hệ Anh sẽ dạy chương trình Key Stage 1-2-3, còn các trường theo hệ Cambridge sẽ là chương trình Cambridge Primary và Cambridge Lower Secondary. Ngoài ra, cũng có trường áp dụng chương trình giáo dục riêng trước khi lên IGCSE và A-level. Sau đây là danh sách các trường quốc tế và song ngữ dạy chương trình A-level ở TP. HCM và Hà Nội:

6.1. Tại Thành phố Hồ Chí Minh

    • British Vietnamese International School Ho Chi Minh City (BVISHCMC)
    • ABC International School (ABCIS)
    • Vietnam Australia International School Ho Chi Minh City (VASHCMC)
    • Vinschool HCMC
    • Horizon International Bilingual School Ho Chi Minh City (HIBSHCMC)
    • Singapore International School Ho Chi Minh City (SISHCMC)
    • Saigon International College (SIC)

6.2. Tại Hà Nội

    • The International School @ ParkCity Hanoi (ISPH)
    • British Vietnamese International School Hanoi (BVISHN)
    • Singapore International School Hanoi (SISHN)
    • Horizon International Bilingual School Hanoi (HIBSHN)
    • Vietnam Australia International School Hanoi (VASHN)
    • Alfred Nobel School (ANS)
    • Hanoi Academy International Bilingual School (Hanoi Academy)
    • Vinschool Hanoi
    • TH School
    • Greenfield School
    • Nguyen Sieu School

Một điểm cần lưu ý đối với học sinh A-level là phần lớn các trường ở Việt Nam sẽ dạy chương trình A-level thuộc hội đồng thi (exam board) CAIE, nhưng với du học sinh học A-level tại Anh hoặc ở nước ngoài thì nên tìm hiểu kỹ càng về exam board các bạn theo học (như OCR, AQA, Edexcel…) để nắm rõ nội dung học và có kế hoạch phù hợp.

Xem thêm: Chương trình IB

Intertu Education hiện đang chiêu sinh các khóa học chương trình A-level (A-level Math, A-level Physics, A-level Chemistry, A-level Biology, A-level Economics, A-level Business, A-level English…). Mọi thắc mắc về vấn đề chương trình A-level xin liên hệ trực tiếp, qua email hoặc hotline để được tư vấn miễn phí.